Đây là chủ đề của hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 – Hà Nội, do UBND TP Hà Nội phối hợp với Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO), Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, ngày 18/9.
Hà Nội tập trung nguồn lực phát triển đô thị thông minh
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường…
Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố (TP) thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trả lời câu hỏi “Hà Nội có những giải pháp gì để huy động vốn cho các dự án TP thông minh? tại cuộc tọa đàm “TP thông minh – Góc nhìn của các lãnh đạo” thuộc khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội dành nguồn lực nhất định từ nguồn ngân sách TP cho việc thực hiện lộ trình này. Tuy nhiên, Hà Nội cũng xác định sẽ huy động nguồn lực từ các DN công nghệ thông tin trên địa bàn. Khi đã hình thành các dịch vụ công, TP sẽ định hình và phân loại dần những dịch vụ này trên tinh thần tất cả những dịch vụ công nào mà tư nhân có thể làm được thì chuyển dần cho tư nhân làm. Nguồn lực từ chính những người dân và các dịch vụ mà người dân sử dụng cũng là nguồn lực được Hà Nội huy động để tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo cho xây dựng TP thông minh.
Nhấn mạnh Hà Nội đã có chủ trương xã hội hóa, thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin liên quan đến các phần mềm, hạ tầng của các DN, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, TP sẽ thuê tối đa dịch vụ công nghệ thông tin của các DN, từ Data Center đến dịch vụ bảo mật cũng như các dịch vụ thuê đường truyền, viết phần mềm. Hà Nội sẽ chuyển hướng sang huy động mọi nguồn lực, trong đó có cả nguồn lực về tài chính, chất xám vào việc xây dựng TP thông minh.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch ASOCIO, ông David Wong cho biết, trong báo cáo 2017, ASOCIO đã đề cập về xu hướng xây dựng TP thông minh là chủ đạo trong trong quá trình chuyển đổi số ở châu Á. Vì vậy, cần đặt ra vấn đề giữa các TP này phải kết nối với nhau để thông minh hơn. TP thông minh không chỉ kết nối với nhau về mặt số mà còn để giải quyết được những vấn đề như đã nêu.
Hà Nội đã và sẽ là đô thị thông minh
Đánh giá cao về lộ trình xây dựng TP thông minh của Hà Nội, ông David Wong cho rằng, Hà Nội cần đặt ra kế hoạch xây dựng TP thông minh làm 3 giai đoạn (đến năm 2030), trong đó tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: Y tế, giao thông, du lịch. Ông David Wong cho biết, ASOCIO cam kết hỗ trợ các đô thị xây dựng TP thông minh.
Tương tự, bà Yvonne Chiu – Chủ tịch Liên minh CNTT thế giới (WITSA), khẳng định: “WITSA sẽ đáp ứng mục tiêu cho mọi người trên thế giới đều được hưởng lợi từ công nghệ thông tin, đặc biệt tại khu vực có nhiều thay đổi như châu Á – Thái Bình Dương, vì một tương lai kỹ thuật số. Chúng tôi bảo đảm chuyển đổi kỹ thuật số, mang lại lợi ích cho các TP, mang lại sự an ninh, an toàn hơn cho các TP khi xây dựng TP thông minh”.
Trưởng bộ phận Công nghệ Google Cloud Đông Nam Á, ông Jay Jenkins khẳng định Hà Nội đã là một đô thị thông minh khi có nhiều cảm biến giao thông lắp đặt trên nhiều tuyến phố Thủ đô. Khi lưu thông trên đường, người dân thường xuyên dùng Google map để xác định phương hướng. Hà Nội cũng có nhiều dữ liệu về bản đồ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn so với các đô thị khác.
Giới thiệu ngắn gọn các công cụ của Google để các TP quản lý giao thông, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…, ông Jay Jenkins cho rằng đó cũng là những việc mà chúng ta có thể cùng nhau xây dựng ở Hà Nội, cũng như những đô thị thông minh khác.
20/63 tỉnh, TP triển khai đề án, kế hoạch tổng thể phát triển đô thị thông minh
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, tại hội thảo chuyên đề “Hạ tầng, nền tảng – cơ sở quan trọng cho các TP thông minh”, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái cho biết: Trong bối cảnh chung của thế giới và trên cơ sở kế thừa các lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước, với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng đô thị, hướng tới phát triển đô thị thông minh bền vững, ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam”.
Đề án đã xác định 7 quan điểm và nguyên tắc xuyên suốt trong việc phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, phát triển đô thị thông minh phải luôn lấy người dân là trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể hưởng thụ lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.
Ông Thái cũng cho biết, mục tiêu phấn đấu giai đoạn từ nay đến năm 2020 tập trung xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị (tối thiểu 3 khu đô thị mới và 3 đô thị). Từ năm 2021 – 2025 tiến hành thí điểm phát triển đô thị thông minh, phấn đấu mỗi vùng kinh tế – xã hội có một đô thị thông minh.
Đề án đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần được thực hiện để đạt được các mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam. Chủ thể thực hiện các nhiệm vụ này được xác định không chỉ có các cơ quan Nhà nước mà là toàn thể các thành phần kinh tế trong xã hội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của Đề án; phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Bộ KH&CN và các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã được giao, đồng thời căn cứ các nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm và các nhiệm vụ ưu tiên đã được Đề án xác định để rà soát các chương trình, kế hoạch, đề án đã phê duyệt, đảm bảo tính liên tục, kế thừa cũng như sự thống nhất đồng bộ từ nhận thức đến hành động.
Hiện có hơn 20/63 tỉnh, TP trên cả nước đã và đang xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể phát triển đô thị thông minh.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường về đô thị thông minhTheo ông Trần Quốc Thái – Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Việt Nam hiện có trên 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5% vào năm 2017. Các đô thị Việt Nam đã tích lũy một bề dày kinh nghiệm trong việc quy hoạch định hướng tổng thể hệ thống đô thị, hoàn thiện các công cụ quản lý cũng như hình thành các mô hình đầu tư phát triển đô thị.Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa kinh tế thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, có quy mô và nhu cầu thị trường lớn, đa dạng và đang ở thời kỳ dân số vàng.Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ thông tin, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng Chính phủ, phát triển hệ thống đô thị và cơ sở hạ tầng. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á – Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường về đô thị thông minh ở Việt Nam. |